Hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và bất động sản công nghiệp đã diễn ra trên thị trường bất động sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường M&A thời gian qua cũng ghi nhận nhiều giao dịch thâu tóm bất động sản đến từ nhà đầu tư trong nước. Bà Khanh Nguyễn, Giám Đốc thị trường Vốn tại Việt Nam của JLL nhận định, một đặc điểm nổi bật của các thương vụ M&A thời gian qua là hình thức liên doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài – với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm cùng doanh nghiệp địa phương – những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.
Trong 2 quý đầu năm, hoạt động M&A diễn ra sôi động nhất ở phân khúc nhà ở. Tháng 3/2018, công ty con của tập đoàn CapitaLand là CVH Nereus Pte. Ltd. đã mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ (HDTH), khoảng 685 tỷ VNĐ (tương đương 29,8 triệu USD). HDTH hiện sở hữu một khu đất rộng 0,9 ha ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Dự kiến khu đất sẽ được phát triển thành dự án phức hợp với chức năng nhà ở, căn hộ kết hợp văn phòng và khối đế bán lẻ.
Tháng 4/2018, Công ty Bất động sản Frasers Property mua lại 75% cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Khang (PAK) với giá 408,6 tỷ VNĐ (tương đương 18 triệu USD). Trong thời gian tới, PAK sẽ tiến hành xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất phát triển tại Quận 2 (Tp.HCM).
Một thương vụ phát triển nhà ở phức hợp khác diễn ra trong tháng 6/2018 là việc thoái vốn của Keppel Land tại dự án của Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát. Cụ thể, công ty con của Keppel Land là Keppel Thủ Thiêm và Công ty TNHH Orbista (lần lượt sở hữu 20% và 25% lãi cổ phần trong QLP) đã ký kết thỏa thuận mua bán để thoái vốn tại QLP với giá 702 tỷ VNĐ (tương đương 30,6 triệu USD).
Cũng trong tháng 6, công ty con của Berjaya Land Berhad (Malaysia) đã thoái toàn bộ 32,5% số vốn góp vào Berjaya Việt Nam Financial Center Limited (BVFC) cho Công ty Cổ phần Vinhomes và Tổng công ty Du lịch Cần Giờ với khoảng chi phí 884,9 tỷ VNĐ (tương đương 38,4 triệu USD).
Bên cạnh đó, Berjaya Land Berhad cũng phát đi thông báo, Vingroup và các chi nhánh của công ty này có khả năng sẽ mua lại Công ty TNHH Một thành viên Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (“BVIUT”) sau khi đã rót 11,904 tỷ VNĐ (tương đương 518 triệu USD) vào BVIUT thời điểm cuối năm 2017.
Thị trường chuyển nhượng văn phòng năm 2018 được biết đến với thương vụ Nomura Real Estate Development mua lại mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng hạng A có vị trí đắc địa ở Quận 1, Tp.HCM là Sun Wah.
Trong khi đó, bất động sản khu công nghiệp nổi bật với thương vụ CRE Asia đồng ý đầu tư 6,2 triệu USD vào SIS để đổi lấy 6,2 triệu cổ phiếu phổ thông mới, hoặc 30% vốn mở rộng. SIS và công ty con thuộc sở hữu của SIS là nhà phát triển khoảng 30.000m2 nhà xưởng trong khu đô thị công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) tại Hải Phòng. Vốn mới từ CRE Asia và các khoản vay ngân hàng sẽ tài trợ cho việc phát triển diện tích nhà xưởng trên.
Theo bà Khanh Nguyễn, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực săn lùng các dự án “sạch” và “rõ ràng” để có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết. Do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực, 2018 được kỳ vọng là năm các hoạt động M&A sẽ xác lập mức kỷ lục mới.